Ủy ban nhân dân phường Ninh Phong
Chủ nhật, 12/05/2024
Trang thông tin điện tử UBND Phường Ninh Phong

tuyên truyền vũ khí, vật liệu nổ

Thứ sáu, 31/01/2020 Đã xem: 2247

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, BUÔN BÁN VÀ SỬ DỤNG PHÁO NỔ, “ĐÈN TRỜI”, QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

 

I. CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

1. Các khái niệm

- Thuốc pháo nổ là hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện gây nên một phản ứng hóa học nhanh, nhạy, tỏa nhiệt, sinh khí và tạo ra tiếng nổ.

- Thuốc pháo hoa là hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất để sản xuất pháo hoa, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện gây nên phản ứng hoá học tốc độ cao, toả nhiệt, phát quang, sinh khí có thể kèm theo tiếng nổ.

- Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện gây nên tiếng nổ.

- Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện sẽ gây phản ứng hoá học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.

- Pháo hoa đơn là pháo hoa tầm thấp mà trong mỗi thiết bị kỹ thuật chuyên dụng có chứa 01 quả pháo.

- Pháo hoa kép là loại pháo hoa tầm thấp mà trong mỗi thiết bị kỹ thuật chuyên dụng có chứa 02 quả pháo.

- Bắn pháo hoa tầm cao là việc sử dụng ống phóng chuyên dụng và thiết bị bắn để đẩy pháo hoa lên độ cao trên 90 m.

- Bắn pháo hoa tầm thấp là việc sử dụng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng (không sử dụng ống phóng) để đẩy pháo hoa lên độ cao từ 90 m trở xuống.

- Sử dụng trái phép pháo nổ được hướng dẫn trong Thông tư 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC bao gồm: đốt, ném, đập, phóng, phụt hoặc dùng bất cứ hình thức nào khác gây nổ pháo (gọi chung là “đốt pháo nổ”).

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ, |”đèn trời”

- Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

- Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.

- Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.

- Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.

- Mọi hành vi sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” của cá nhân, tổ chức trong phạm vi cả nước.

Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ; sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Những người có công phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

3. Các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng

- Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

- Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

- Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

- Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

4. Cơ sở được phép sản xuất pháo hoa

Chỉ có các cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất pháo hoa trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các điều kiện về sản xuất, chất lượng sản phẩm và vận chuyển theo quy định pháp luật.

5. Nguyên tắc quản lý việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng pháo hoa

Chính phủ thống nhất quản lý việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng pháo hoa trong phạm vi cả nước.

Việc tổ chức sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng pháo hoa phải bảo đảm an toàn, tiết kiệm, đạt chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.

Việc sản xuất pháo hoa phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ; có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ quan Công an có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo hoa phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Kinh phí phục vụ cho việc tổ chức bắn pháo hoa do địa phương đảm nhiệm, không sử dụng từ ngân sách nhà nước.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, nhập khẩu, sử dụng trái phép các loại pháo và tổ chức thực hiện tốt việc bắn pháo hoa, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn và tiết kiệm.

Bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức bắn pháo hoa tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Quản lý chặt chẽ và thực hiện đúng quy định về tầm bắn pháo hoa, thời gian, thời lượng và địa điểm tổ chức bắn pháo hoa. Thông báo kết quả thực hiện với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Điều kiện cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa

Việc sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa của Bộ Quốc phòng phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ cho phép sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa;

- Bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam;

- Bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh lao động; phòng, chống cháy, nổ;

- Được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

8. Mua, bán pháo hoa

Cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa chỉ được bán pháo hoa cho các đơn vị, địa phương được phép tổ chức bắn pháo hoa theo quy định.

9. Các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa:

- Tết Nguyên đán

- Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm)

- Kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam

- Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07 tháng 5)

- Ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30 tháng 4).

- Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

- Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

 

 

II. HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

1. Việc khai báo, giao nộp vụ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 11 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: Tổ chức, cá nhân phải khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất trong các trường hợp sau đây:

a) Không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kì nguồn nào;

b) Phát hiện, thu nhặt được.

2. Pháp luật quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm?

Trả lời: Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì cá nhân có hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị;

b) Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm;

d) Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

c) Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;

đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

e) Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;

g) Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;

d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

b) Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;

c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;

đ) Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

e) Bán vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) cho các đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;

b) Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

* Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm nêu trên thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Nguyên tắc xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phepsn pháo nổ, thuốc pháo nổ quy định như thế nào?

Trả lời: Khoản 2, Điều 1 Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định

- Những hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo hoặc chiếm đoạt pháo nổ và thuốc pháo phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây gọi tắt là BLHS);

- Trong mọi trường hợp, pháo nổ, thuốc pháo và nguyên liệu, dụng cụ dùng để sản xuất pháo nổ, thuốc pháo phải bị tịch thu. Việc phát hiện, thu giữ vật chứng, xử lý vật chứng là pháo nổ, thuốc pháo phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 75 và Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

- Đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo khác (không phân biệt xuất xứ hoặc nơi sản xuất nhưng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của Chính phủ) thì cũng được xử lý như đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ được hướng dẫn trong Thông tư này.

4. Người có hành vi sử dụng trái phép pháo bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?

Trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của liên Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo:

1. Người nào đốt pháo thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 điều 245 Bộ Luật Hình sự, phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

- Đốt pháo ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

- Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khoẻ, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1kg đến dưới 0,5kg đối với thuốc pháo;

- Đốt pháo với số lượng lớn dưới 1kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa bị xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 2 điều 245 Bộ luật hình sự, phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đối với người nào đốt pháo thuộc một trong các hành vi sau đây:

- Đã bị kết án về tội "Gây rối trật tự công cộng";

- Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;

- Cản trở; hành hung người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công công hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ;

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.

3. Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật Hình sự, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.

5. Người có hành vi sản xuất, chiếm đoạt pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của liên Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo:

1. Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ" theo điều 232 Bộ luật Hình sự;

2. Người nào mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Buôn lậu" theo điều 153 Bộ luật Hình sự;

3. Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới pháo nổ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới" theo điều 154 Bộ luật Hình sự;

4. Người nào có hành vi mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Buôn bán hàng cấm” theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự.

6. Đối với hành vi sản xuất, chiếm đoạt pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo với số lượng như thế nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trả lời: Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ" theo Điều 232 Bộ Luật Hình sự:

- Người sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 2kg đến dưới 30 kg; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng từ 1kg đến dưới 15 kg hoặc dưới số lượng đó nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, bị phạt tù từ 01 năm đến 5 năm. Nếu vận chuyển, mua bán trái phép qua biên giới, bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm;

- Người sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 30kg đến dưới 90kg; thuốc pháo có số lượng từ 15kg đến dưới 75kg, bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm;

- Người sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 90kg đến dưới 300 kg; thuốc pháo có số lượng từ 75kg đến dưới 200kg, bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm;

- Người sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 300kg trở lên; thuốc pháo có số lượng từ 200 kg trở lên, bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

7. Việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 1, Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” quy định:

- Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” trong phạm vi cả nước.

- Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, đốt và thả "đèn trời" sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

8. Cá nhân, tổ chức tàng trữ, vận chuyển sản xuất, nhập khẩu, buôn bán “đèn trời” thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì các hành vi tàng trữ, vận chuyển sản xuất, nhập khẩu, buôn bán “đèn trời” đều bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và bị áp dụng mức xử phạt như sau:

- Đối với cá nhân: Hành vi đốt và thả “đèn trời” bị xử phạt từ 500.000đ đến 1.000.000đ; hành vi tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”bị xử phạt từ 2.000.000đ đến 3.000.000đ; hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán "đèn trời" bị xử phạt từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ.

* Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.